A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường THPT Lương Tài với tình yêu Biển đảo Quê hương

49tjf49edf:News:Id
edf40wrjww2News:ContentNew

“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào ghềnh đá”. Có thể nói, từ bao đời nay biển đảo quê hương luôn là một phần máu thịt không thể tách rời trong tim mỗi người dân đất Việt. Biển đảo chính là một món quà vô giá mà thiên nhiên ưu đãi, lịch sử hào hùng trao tặng chúng ta. Chính trên vùng mênh mông đại dương bao la, nơi cột mốc chủ quyền sừng sững như chứng nhân của lịch sử đầy “máu và hoa” , luôn có những con người vẫn ngày đêm canh giữ cho quê hương giấc ngủ yên bình. Chính tại nơi đầu sóng ngọn gió luôn có lá cờ Tổ quốc tung bay đó là nơi những trái tim đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, của đông đảo các thế hệ Việt Nam hướng về với lòng thành kính, yêu thương và biết ơn vô hạn. Vì một lý do rất đơn giản: Đây là quê hương chúng ta.

Thế hệ trẻ chúng tôi được may mắn sinh ra trên đất nước bình yên, sạch bóng quân thù, được tự hào về những trang sử vàng quá khứ hào hùng, bi tráng, được hưởng một niềm ưu ái “Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ” (Đỗ Trung Quân). Chúng tôi được lắng nghe lời non sông vọng về qua những trang sách:  “Lãnh thổ Việt Nam là một khối thống nhất và toàn vẹn bao gồm vùng đất, vùng biển và vùng trời.  Nước ta có đường bờ biển dài 3260 km, cong hình chữ S, chạy từ thị xã Móng Cái  (Quảng Ninh) ở phía Bắc đến thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) ở phía Tây Nam… Nước ta có hơn 4000 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là các đảo ven bờ và có hai quần đảo ở ngoài khơi xa trên biển Đông là quần đảo Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng) và quần đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa). Theo quan niệm mới về chủ quyền quốc gia thì vùng biển Việt Nam có diện tích khoảng 1 triệu km2 ở biển Đông. Biển Đông đối với nước ta là một hướng chiến lược quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước. Các đảo và quần đảo tạo thành hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền, hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới, khai thác có hiệu quả các nguồn lợi vùng biển, hải đảo, thềm lục địa. Việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với các đảo và quần đảo có ý nghĩa là cơ sở để khẳng định chủ quyền của nước ta với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo”. (trích SGK Địa lý lớp 12)

Qua các bài học lịch sử, địa lí hàng ngày, ý thức về độc lập, chủ quyền và tự hào dân tộc lớn dần lên trong mỗi học sinh. Biển đảo là một phần máu thịt  của Tổ quốc, vì vậy có muôn vàn trái tim ngày đêm hướng về biển đảo, dành tình yêu cho những người lính biển cùng các chiến sĩ, các lực lượng ngày đêm bảo  vệ chủ quyền biển đảo nước nhà. Người dân Việt Nam đều hướng về biển bằng một tình yêu chung thủy. Đó  là niềm tự hào, say mê trước vẻ  đẹp của những bãi cát  dài, làn sóng biếc, vịnh đảo nên thơ. Biển đẹp dịu dàng như từng lớp sóng âm thầm xô bờ đến khi sóng bào mòn đá lúc nào không hay. Chúng tôi cảm ơn thiên nhiên ưu ái đã ban tặng nơi đây một nét diễm lệ, giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Ngư trường rộng lớn, nguồn nhiên liệu dưới lòng biển nhiều, phong cảnh đẹp, con người hòa đồng,… đem đến cho ta nguồn lợi rất lớn. Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo đang ngày đêm đón những lượt tàu ra biển để hồi tưởng lại một thời huy hoàng cũng chính là một thắng cảnh đẹp của biển đảo quê hương. Đặc sản tỏi Lý Sơn- thứ quà quí kết tinh tinh hoa đất trời và sự cần cù, chịu khó của con người lao động đang dần vượt ngàn hải lý, xuất khẩu tới những đất nước xa xôi, khẳng định thương hiệu hàng Việt trên trường quốc tế. Hơn hết, “Trường Sa-Hoàng Sa là của Việt Nam”- là dáng hình xứ sở. Những người dân bám đất, bám đảo, chống chọi với cuộc sống khắc nghiệt, thiếu thốn lắm nhưng hạnh phúc nhiều với suy nghĩ:’’Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Tôi cảm phục trước những bức tượng đài sống của những người chiến sĩ hải quân, đầu đội mũ, tay vác súng đứng canh giữ biển. Giữ đảo chính là đang bảo vệ quê hương mình. Mang trên vai trọng trách bảo vệ quê hương đất nước chính là niềm tự hào của các chiến sĩ hải quân.

Bác Hồ đã từng căn dặn : “Ngày xưa ta có đêm, có rừng. Ngày nay ta có ngày,có trời, có biển. Bờ biển nước ta dài, tươi đẹp.Ta phải biết giữ gìn và phát huy nó”. Mỗi người thể hiện tình yêu nước, yêu biển - đảo khác nhau nhưng với tất cả đều thể hiện tình cảm mãnh liệt ấy bằng nhiệt huyết của trái tim và lòng nhân ái. Hãy yêu nước bằng một trái tim nóng, cái đầu lạnh và những hành động thực tiễn góp phần bảo vệ biển đảo như: Học tập nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt, hiểu biết sâu sắc về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc để tìm ra phương thức bảo vệ chủ quyền một cách hữu hiệu; Xây dựng, củng cố lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lập tự cường, nâng cao ý thức bảo vệ tổ quốc; Tích cực học tập kiến thức quốc phòng, an ninh, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ quốc phòng; Tích cực tham gia các phong trào của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phong trào mùa hè xanh, phong trào thanh niên tình nguyện hướng đến vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.

Không chỉ ở trường học, trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook, những thông tin mới nhất về các vấn đề liên quan tới Biển Đông được cộng đồng mạng cập nhật liên tục. Giới trẻ Việt Nam cũng đã đồng loạt thay avatar bằng những hình ảnh mang linh hồn của tổ quốc, hướng về biển đảo. Đó là quốc kỳ Việt Nam đỏ thắm hoặc những hình ảnh thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, thể hiện chủ quyền hay đơn giản là hình ảnh của những người lính biển đang ngày đêm làm nhiệm vụ.

Những bài hát, bài thơ về biển đảo, về lính biển cũng được chuyền tay nhau làm nên hào khí dân tộc trong lúc đất nước gặp khó khăn: "Em hãy đưa điện thoại kề gần nôi/ Để con chúng mình nghe tiếng của biển khơi/ Anh không thể ẵm bồng ru con ngủ/ Gửi tiếng biển về yên giấc con thôi", bài thơ của một người lính hải đảo gửi về đất liền khiến hàng triệu con tim thổn thức; những bài hát như “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Giai điệu Tổ quốc”… chưa bao giờ lại được phổ biến rộng rãi và được những người con Việt hát với cả tấm lòng như thế.

Hiện nay, vấn đề chủ quyền trên Biển Đông đang là vấn đề cực kì nóng được cả nước đặc biệt quan tâm. Trong ngành Giáo dục, yêu cầu giáo dục về chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ cũng được coi là vấn đề quan trọng trong năm học. Bởi vì, thế hệ trẻ là những chủ nhân tương lai của đất nước, các em cần phải hiểu rõ lịch sử dân tộc cũng như chủ quyền biển đảo của quốc gia, để rồi từ đó, khơi dậy tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc và tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Hơn nữa, từ các em, tinh thần đó sẽ tiếp tục được lan tỏa rộng rãi đến từng gia đình và nhân lên trong toàn thể cộng đồng. Do đó, giáo dục về biển đảo tại các trường học hiện nay vừa mang tính thời sự, vừa góp phần quan trọng vào việc vun đắp, nuôi dưỡng tình yêu biển đảo quê hương cho thế hệ trẻ.

Là những học sinh, sinh viên nói riêng và là con dân Việt Nam nói chung, bản thân mỗi chúng ta không những cần ý thức mà còn phải tuyên truyền " tình yêu biển đảo quê hương" cho tất thảy mọi người cùng biết và ý thức cùng, để cùng chung tay xây dựng và bảo vệ non sông Việt Nam vững mạnh, để có thể sánh vai với các cường quốc năm châu!

Tác giả: Ban công nghệ thông tin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Chính phủ điện tử
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội